Friday, 17 April 2009

Những vết thương lành

(to save, written in 2006)

(Vì một tấm ảnh cứ ở trong đầu mà khao khát được viết và nghĩa vụ phải viết ùa về sau những ngày bận rộn, cố trì hoãn để nó qua đi.)

Muốn viết về một bài hát. Bài hát mà khi nghe không chỉ mang lại cảm nhận về bản thân nó mà về những người quen biết, những người không quen, những điều đã qua và những điều có lẽ sẽ chẳng thể ra đi. "Vẫn có em bên đời". Nghe chị Giang Trang hát, chị GT hát nhạc Trịnh và “Vẫn có em bên đời”.

Nhạc Trịnh khi nghe có lẽ cảm giác của bản thân cũng giống như của đa số là nỗi buồn. Thế mà nghe chị GT hát nhạc Trịnh điều cảm nhận và đọng lại sau đấy là một niềm vui. Gọi là niềm vui cũng chưa hẳn chính xác, nếu có thể gọi là “nỗi vui” tôi sẽ dùng từ đấy vì đó là niềm vui khi người ta đã trải qua nỗi buồn.

Trong bài hát là sự hòa quyện cũng như đối lập tuyệt vời giữa âm thanh của nhạc cụ và một giọng hát trầm nhưng vút cao trên cái nền ấy. Tiếng guitar ôn tồn mở đầu và rồi tiếng violin như từ từ kéo người ta vào một hay nhiều nỗi buồn, cảm nhận theo cách riêng của mỗi cá nhân. Thế rồi tiếng hát được chờ đợi bỗng vang lên. Nhiều người biết và có lẽ cũng đã có người viết về giọng hát của GT. Những điều tôi viết ra ở đây chỉ là cách cảm nhận chủ quan của bản thân sau mỗi lần nghe để như tìm thấy một điều mới.

Tôi không biết hay không nhớ thời gian bài hát được thu nhưng từ giọng hát thì nghĩ đó là của một người trưởng thành hay “già” như cách gọi mà bạn bè hay dùng. “Già” bởi vì người trẻ sẽ chẳng thế hát nhạc Trịnh trìu mến và đầm ấm đến thế. Chị GT hát nhạc Trịnh nhưng không ở trong bài hát mà như đứng từ trên cao nhìn xuống nỗi buồn của trần thế. Thông thường người ta sẽ bảo ca sĩ phải hóa thân, phải đồng cảm để những lời ca đi ra từ đáy lòng mà buồn cùng bài hát. Thế nhưng nghe chị GT thì có cảm tưởng như con người ấy đã đi qua những nỗi buồn trần thế kia để đem đến cái hồn và cái tình cho những kẻ ở dưới. Tiếng guitar cứ thế, dặt dìu, lặp đi lặp lại như đại diện cho những lo toan, những ưu phiền thường ngày mà người ta phải đối mặt. Đôi khi, nó cuốn đến ào ạt. Đều là những điều mà con người không thoát được, không tránh được lúc phải sống và được sống. Tiếng violin thì vẫn thế, từ bao đời nay, như bản chất của nó mài miết vào lòng người. Đôi khi nghe thấy tiếng violin mà có cảm giác như cứ muốn gặm nhấm, muốn ở một mình trong đấy có thể vì “buồn” và “đẹp” đi với nhau? Vĩ cầm, ừ thì vĩ cầm sao bao giờ cũng muốn cứa người ta như thế? Không phải là những cái cứa xót đến tận da thịt nhưng những vết thương, thì dù chỉ là chạm nhẹ đến … Tình cờ! Thật là tình cờ vì trong bài hát có nhắc đến “những vết thương” nhưng là “những vết thương lành”.

Tôi chưa từng gặp GT cũng như không biết gì nhiều về con người ở thời điểm lúc hát bài này. Vào một chiều mưa đi trên đường chợt nghe lại “Where are we going from here?” để nhớ rằng mình đã cảm nhận được nỗi đau khi nghe nó lần đầu. Nhận ra rằng mình đã đi qua thời gian ấy để nghe mà chỉ là đồng cảm chứ không quay lại nỗi đau kia. Người con gái với tiếng hát và cách hát nhạc "Vẫn có em bên đời" thì chắc cũng đã gặp nhiều nỗi đau trên đường đi để rồi như đứng trên đồi nhìn xuống những đoạn đường, những con người đã qua. Không có gì phải quên, không có gì phải cố gạt bỏ. Tất cả rồi sẽ là những điều để người ta nhìn và có chăng nhớ lại nhưng không còn ở trong nó. Những vết thương đã lành bản thân chúng không vui nhưng là mang lại niềm vui khi người ta nhận ra không còn đau nữa. Quan trọng hơn, biết rằng còn có thể có những vết thương khác nhưng sẽ đối mặt và chịu đựng bình thản. Như cái cách mà mọi thứ đến rồi đi.

No comments:

Post a Comment

random walk during my journey

no9blue - View my most interesting photos on Flickriver